BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

TueTinh Institute of Medical and Pharmaceutical Research
Xây dựng giá trị vì sức khoẻ cộng đồng

BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

08/11/2024
VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

Bệnh võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) là một biến chứng vi mạch đặc thù của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) với các tổn thương võng mạc xuất hiện ở 1/3 số bệnh nhân mắc ĐTĐ. Bệnh VMĐTĐ là biến chứng mạch máu võng mạc, biến đổi cấu trúc và tăng tính thấm thành mạch gây ra phình mạch, tắc mạch, đặc biệt ở hoàng điểm gây giảm thị lực có thể dẫn đến mù lòa.

Cơ chế bệnh sinh của VMĐTĐ được quy về 2 cơ chế chính là những biến đổi về thành mạch và sinh huyết động học.

- Những thay đổi về thành mạch: giảm hoặc mất tế bào ngoại mạch dẫn đến hình thành vi phình mạch. Tổn thương nội mô làm rối loạn chức năng các tế bào nội mô, mất các tế bào nội mô và dày màng đáy mạch máu là nguyên nhân gây tắc vi mạch.

- Những thay đổi về sinh huyết động học dẫn đến tăng kết dính tiểu cầu và hồng cầu, tăng sức cản dòng máu, hoạt hóa bạch cầu, di trú các tế bào cơ trơn qua thành mạch, dày màng đáy, dẫn đến tắc mạch, giảm khả năng tưới máu và thiếu oxy tổ chức. Thiếu oxy mạn tính là nguyên nhân trực tiếp gây ra tân mạch ở võng mạc và bệnh võng mạc tăng sinh.

Phản ứng tự điều hòa thường xảy ra bao gồm giãn các tiểu động mạch và tăng huyết áp thủy tĩnh trong các mao mạch. Tăng tính thấm thành mạch, rò mao mạch dẫn đến xuất huyết võng mạc và tích tụ dịch, lipid và lipoprotein ở khu vực ngoại bào gây xuất tiết cứng, phù võng mạc và phù hoàng điểm. Tắc mạch dẫn tới thiếu máu võng mạc, xuất hiện nối thông động – tĩnh mạch, tĩnh mạch chuỗi hạt và bất thường vi mạch.

Các tổn thương võng mạc của bệnh võng mạc đái tháo đường

- Vi phình mạch

- Xuất huyết võng mạc

- Xuất tiết võng mạc

- Tổn thương mạch máu võng mạc

- Phù võng mạc

- Bệnh lý hoàng điểm đái tháo đường

* Vi phình mạch: là biểu hiện lâm sàng sớm nhất của bệnh võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ), là những chỗ giãn hình túi của mao mạch. Khi soi đáy mắt thấy có những chấm tròn nhỏ, thường nằm ở phía thái dương của hoàng điểm. Phát hiện rõ nhất khi chụp mạch huỳnh quang ở thì sớm.

* Xuất huyết võng mạc: Xuất phát từ tận cùng của mao tĩnh mạch, kết lại ở lớp nhân trong và rối ngoài của võng mạc, hình thành xuất huyết dạng chấm và đốm. Những tổn thương các mạch máu lớn gây hiện tượng xuất huyết thành đám trong bề dày của võng mạc.

* Xuất tiết võng mạc: Có hai loại là xuất tiết cứng và xuất tiết mềm.

- Xuất tiết cứng: bản chất là chất lắng đọng dịch máu, lipid và các thành phần khác có nguồn gốc từ huyết tương do vỡ các mạch máu võng mạc, quá trình phù võng mạc, hoàng điểm lâu ngày.

- Xuất tiết mềm: tắc mao mạch trong lớp sợi thần kinh võng mạc gây thiếu máu, phù nề, tổn thương sợi trục thần kinh tạo nên những xuất tiết mềm (cục bông).

* Tổn thương mạch máu võng mạc: là những thay đổi hình dạng tĩnh mạch (tĩnh mạch giãn, hình tràng hạt, to nhỏ không đều...). Sự xuất hiện của các tân mạch máu võng mạc được coi là tiêu chuẩn của bệnh VMĐTĐ tăng sinh. Các tân mạch này có thể phát triển trên bề mặt đĩa thị hoặc một vùng nào đó của võng mạc, thậm chí cả ở mống mắt, góc tiền phòng, gây glocom tân mạch.

* Phù võng mạc: Phù võng mạc được phát hiện bằng soi đáy mắt, thấy võng mạc dày lên màu trắng đục.

* Bệnh lý hoàng điểm đái tháo đường: phù hoàng điểm là hiện tượng dày lên của võng mạc trung tâm, là kết quả của sự tích tụ bất thường dịch ngoại bào ở võng mạc. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây giảm thị lực ở bệnh nhân đái tháo đường. Trên lâm sàng, phù võng mạc trong phạm vi 500micro từ trung tâm hoặc/ và xuất tiết cứng trong phạm vi hai lần đường kính đĩa thị từ hố hoàng điểm được coi là phù hoàng điểm có ý nghĩa lâm sàng.