Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh là người khai mở nền y học cổ truyền của dân tộc. Gần 7 thế kỷ trước, lúc sinh thời với tư tưởng Nam dược trị Nam nhân, tức dùng cây cỏ nước Nam để trị cho người nước Nam, ông là người tiên phong cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng tinh thần tự lực tự cường. 7 thế kỷ đã qua nhưng câu nói bất hủ: “Nam dược trị Nam nhân” cùng những bài thuốc quý mà ông để lại vẫn còn tiếp tục được kế thừa và phát huy trong Y học ngày ngay. Ông để lại cho hậu thế 2 bộ Y thư: “Nam dược thần hiệu” gồm 10 chương và “Hồng Nghĩa giác tư y thư” gồm 2 quyển diễn giải hơn 500 vị thuốc nam và 630 bài thuốc nam chữa bách bệnh. Sử sách lưu rằng sinh thời Tuệ Tĩnh đã phát tâm cùng nhân dân trong vùng xây dựng 24 ngôi chùa và hình thành ở mỗi chùa một vườn thuốc Nam, biến sân chùa thành vườn thuốc, biến nhà chùa thành y xá. Ông thực hành phương châm “Nam dược trị Nam nhân” và đến nay những ứng dụng của Y học cổ truyền trong điều trị Covid – 19 càng cho thấy được giá trị tư tưởng vượt tầm thời đại của ông. Năm 55 tuổi, ông bị bắt đi sứ sang Trung quốc, được nhà Minh giữ lại làm việc ở Viện Thái y, rồi mất bên ấy. Lời trối trăn da diết tâm can của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh: “MAI SAU CÓ AI VỀ NƯỚC NAM XIN CHO HÀI CỐT TÔI THEO VỀ VỚI” vẫn luôn đau đáu trong lòng người dân Việt Nam. Ghi nhận tài năng và đức độ của ông, 6 vị vua triều Nguyễn đã nhiều lần cấp sắc phong cho ông. Đặc biệt, ông được 2 vị vua là Khải Định và Bảo Đại suy tôn là “Thánh thuốc Nam”. Y đức sáng ngời, lòng yêu nước thiết tha cùng tư tưởng Nam dược trị Nam nhân của ông mãi mãi là kim chỉ nam cho nền Y học nước nhà.
Viện nghiên cứu y dược học Tuệ Tĩnh vinh dự được mang tên của Đại danh y Thiền sư – Ông tổ nghề thuốc Nam. Để tưởng nhớ và tri ân những công lao y đức mà ông để lại cho hậu thế, đồng thời thừa kế và phát huy truyền thống chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, Viện sẽ tìm hiểu, nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp ông; nghiên cứu, ứng dụng những vị thuốc, bài thuốc quý báu mà ông để lại theo phương châm: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”.