VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

TueTinh Institute of Medical and Pharmaceutical Research
Xây dựng giá trị vì sức khoẻ cộng đồng

Giới thiệu về Đào tạo y khoa liên tục (Continuing Medical Education - CME)

17/12/2021
VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

Khái quát về đào tạo y khoa liên tục trên thế giới

* Sơ lược về công tác đào tạo y khoa liên tục

Đào tạo y khoa liên tục (tiếng anh là Continuing Medical Education được viết tắt là CME) là quá trình cán bộ y tế không ngừng cập nhật những kiến thức và tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đào tạo y khoa liên tục được định nghĩa là “hoạt động được xác định rõ ràng để phát triển chuyên môn của cán bộ y tế và dẫn tới việc cải thiện chăm sóc cho bệnh nhân. CME bao gồm tất cả các hoạt động học tập mà cán bộ y tế mong muốn thực hiện để có thể thường xuyên, liên tục nâng cao năng lực chuyên môn của mình…”. 

Khái niệm đào tạo liên tục ở nước ta cũng đã được đưa vào trong ngành y tế từ những năm 1990, với sự giúp đỡ của dự án hỗ trợ hệ thống đào tạo nhân lực y tế (còn gọi là 03/SIDA-Thụy Điển), Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh triển khai mạnh mẽ công tác đào tạo lại, đào tạo liên tục. Từ năm 2008, thông tư số 07/2008/TT-BYT, Bộ Y tế cũng định nghĩa “ Đào tạo liên tục là các khoá đào tạo ngắn hạn, bao gồm: đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ; cập nhật kiến thức y khoa liên tục; đào tạo chuyển giao kỹ thuật; đào tạo theo nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ khác trong lĩnh vực y tế.” 

Ngày nay nhằm thay đổi thái độ của cán bộ y tế, tổ chức y tế thế giới đã đưa ra thuật ngữ phát triển nghề nghiệp liên tục (Continuing Professional Development viết tắt là CPD) và được sử dụng rộng rãi tại các nước Âu, Mỹ. Ngoài các nội dung giống như của CME, CPD còn bao gồm cả các phương pháp học tập khác ngoài hình thức nghe giảng và ghi chép là các hình thức tự học và tự phát triển của từng cá nhân. Phát triển nghề nghiệp liên tục đề cập việc cán bộ y tế sau khi đã hoàn thành giai đoạn đào tạo cơ sở, sẽ học tập trong suốt cuộc đời làm việc của mỗi người để cập nhật kiến thức, kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, các dịch vụ y tế. CPD được xây dựng dựa trên nhu cầu chuyên môn của cán bộ y tế đồng thời cũng là giải pháp chính để cải thiện chất lượng. Khác với đào tạo chính quy hay đào tạo sau đại học được thực hiện theo các quy định và quy tắc cụ thể thì CPD lại chủ yếu là các hoạt động học tập trên cơ sở định hướng cá nhân và thực hành để thúc đẩy nâng cao năng lực nghề, nhằm duy trì và nâng cao năng lực từng cá thể để đáp ứng được các nhu cầu ngày càng tăng của người bệnh và của hệ thống y tế. Trên thực tế hiện nay ở nước ta đang đồng nhất giữa CPD và CME.

* Tổ chức công tác đào tạo liên tục

 Tổ chức thực hiện CME giữa các nước trên thế giới rất khác nhau. Tuy nhiên mọi người đều thừa nhận rằng bản thân người trong nghề phải chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các hoạt động đào tạo liên tục. Các hiệp hội y học và tổ chức chuyên môn có vai trò là người khởi xướng, cung cấp và thúc đẩy thực hiện đào tạo liên tục tại rất nhiều nước.

Có nhiều tổ chức cung cấp CME thậm chí không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành y tế, chẳng hạn như các công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì lợi nhuận, ngành công nghiệp công nghệ y, dược, các hiệp hội người tiêu dùng,…Mặc dù vậy chúng vẫn có một số đặc điểm chung, đó là phần lớn các hệ thống đều dựa trên cơ sở số giờ được đào tạo, trong đó giờ học được có thể tính tương đương với tín chỉ. Các hoạt động đào tạo thường được chia làm ba nhóm chính:

Nhóm ngoại khóa gồm: các khóa học, hội thảo,hội nghị,…

Nhóm nội tại gồm: các hoạt động thực hành, hội thảo giải quyết tình huống, hội thảo nhóm lớn, phân tích tập thể, giảng dạy, tư vấn với đồng đẳng hoặc đồng nghiệp,…

Các tài liệu đào tạo mang tính lâu dài như tài liệu in, đĩa CD, tài liệu trên web như chương trình đào tạo, kiểm tra, đánh giá,…

Ở những nước yêu cầu có sự đánh giá lại việc cấp chứng chỉ hành nghề, các bằng chứng của đào tạo liên tục hoặc phát triển chuyên môn liên tục sẽ trở thành một phần không thể thiếu và rất quan trọng.

Tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo chất lượng đào tạo liên tục y khoa

Nâng cao sức khỏe cho mọi người là mục tiêu cơ bản của giáo dục y học. và cũng là nhiệm vụ của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Năm 1998 Liên đoàn Giáo dục Y học Thế giới (World Federation Medical Education - WFME) với sự phối hợp của WHO đã khởi xướng xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế trong giáo dục y học. Mục tiêu là cung cấp một cơ chế cho việc nâng cao chất lượng trong giáo dục y học, trong phạm vi toàn cầu, để áp dụng ở các nước trên thế giới. Tiêu chuẩn quốc tế có chức năng như là khuân mẫu cho việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục y khoa và còn có vai trò đảm bảo nền móng vững chắc cho giáo dục y khoa. Bộ tiêu chuẩn quốc tế của WHO &WFME gồm có 3 tập bao gồm cả 3 giai đoạn của quá trình đào tạo y học là Giáo dục y học cơ bản (Standard in basic medical education); Giáo dục y học sau đại học (Standard in posgraduate medical training) và Đào tạo liên tục/ nâng cao nghề nghiệp liên tục (Standard for continuing medical/professional development- CME/ CPD). Bộ tiêu chuẩn quốc tế này đã được đưa ra tại Hội nghị toàn cầu về Giáo dục y học tại Copenhagen (2003) đã được chính thức thông qua và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng để áp dụng.

Tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo liên tục (CME/ CPD) gồm 9 tiêu chuẩn với 36 tiêu chí là:

Tiêu chuẩn 1. Nhiệm vụ và kết quả đầu ra, có 4 tiêu chí

Tiêu chuẩn 2. Các phương pháp học tập, có 6 tiêu chí

Tiêu chuẩn 3. Lập kế hoạch và dẫn chứng bằng tư liệu, có 2 tiêu chí

Tiêu chuẩn 4. Cá nhân người bác sĩ, có 4 tiêu chí

Tiêu chuẩn 5. Những người cung cấp CME/CPD, có 4 tiêu chí 

Tiêu chuẩn 6. Ngữ cảnh học tập và nguồn lực, có 7 tiêu chí

Tiêu chuẩn 7. Đánh giá các phương pháp và năng lực, có 4 tiêu chí

Tiêu chuẩn 8. Tổ chức, có 4 tiêu chí

Tiêu chuẩn 9. Đổi mới liên tục, có 1 tiêu chí

Nguồn: https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/cac-chuyen-nganh-khac/cong-tac-quan-ly-dao-tao-lien-tuc-o-benh-vien.