Ở Việt Nam, chất lượng nhung được phân loại theo độ tuổi của sừng như sau:
1. Huyết nhung: Được coi là loại nhung quý hiếm nhất. Thân nhung ngắn, mọng máu, mềm, da hồng, đầu tù, lông rất mịn và thưa. Người ta cho rằng trong thời điểm này, nhung đã phát triển đến cực đại về chất và lượng, nhưng chưa hóa thành sừng.
2. Nhung yên ngựa: Là loại nhung bắt đầu phân nhánh, nhưng nhánh còn ngắn. Chỗ phân nhánh bên dài bên ngắn trông giống yên con ngựa, nên có tên là “nhung yên ngựa”. Loại này được xếp vào loại nhung rất quý, vì cho rằng nhung đã phát triển đầy đủ, mà chưa thành sừng. Nếu đợi quá một thời gian nữa, một phần đã thành sừng thì kém giá trị.
3. Nhung gác sào: Là nhung già, sừng đã phân nhiều nhánh, lông cứng và dày, đầu bè ra. Tùy theo độ già của sừng, số nhánh, lông phủ bên ngoài dài, cứng vừa phải hay thô ráp, mọc dày hay thưa... mà người ta phân ra các loại: I, II, III. Nhung bán trên thị trường hiện nay phần lớn là nhung gạc sào, chủ yếu là loại II, III. Muốn cho huyết nhung hay nhung yên ngựa thường phải đến tận trại nuôi huơu.
4. Nhung chìa vôi: Là nhung cắt từ con hươu, nai dưới 3 tuổi. Dù là huyết nhung, nghĩa là nhung còn non, nhưng khai thác ở hươu, nai chưa thật trưởng thành, nên một cặp nhung chìa vôi sau khi phơi, sấy khô chỉ nặng 40-50g, ngang nhung hoẵng.
Trong Đông y Trung Quốc, chất lượng nhung được phân loại theo độ tuổi hơi khác nước ta:
1. Nhung hươu sao Trung Quốc
Cả hai loại cự nhung (nhung cưa) và khảm nhung (nhung chặt) đều được phân loại theo số nhánh.
* Nhung cưa (cự nhung): thân nhung có hình trụ tròn, thường phân thành 1-2 nhánh; được đặt tên như sau:
+ Nhị giang: Là loại nhung hươu sao mới chỉ phân 1 nhánh. Trụ chính gọi là đại dĩnh, thường dài 14-20cm. Mặt ngoài nâu hồng hoặc nâu, phủ đầy lông mịn, lông ở phía trên tương đối rậm, lông ở phía dưới thưa hơn. Lát cắt ở gốc sừng có đường kính cỡ 3cm, nhìn chỗ cắt thấy chung quanh vẫn chưa thành xương; mùi hơi tanh, vị hơi mặn. Nhánh chẽ thường cách vết cắt khoảng 3cm, dài 10-15cm, đường kính nhỏ hơn.
+ Tam sá là nhung huơu sao đã phân 2 nhánh. Trụ chính dài 24-30cm; đường kính tương đối nhỏ, nói chung không còn tròn, hơi lõm hình vòng cung; phần đỉnh hơi nhọn, phần dưới thường nổi lên nhưng gờ dọc và một số sẹo lồi.
Nhung lứa 2 (nhị trà nhung) hình dạng tương tự như nhung lứa đầu (đầu trà nhung) nhưng trụ chính (đại đính) thường dài hơn và không tròn, hoặc dưới to trên nhỏ, phần dưới có những gờ gân ngang, lông thô, nặng hơn, không có mùi tanh.
* Nhung chặt (khảm nhung) dính liền với xương đầu, cũng chia thành nhị giang và tam sá theo số nhánh.
2. Nhung hượu ngựa (Mã lộc nhung)
Còn gọi là “thanh mao nhung”. To hơn, phân nhánh nhiều hơn nhung hươu sao, màu đen xám hay hơi vàng. Cách đặt tên theo số nhánh hơi khác cách đặt tên cho nhung huơu sao:
- Đơn môn: loại nhung mới chỉ có một nhánh; trụ chính (đại đĩnh) dài 23-27cm, đường kính khoảng 3cm, mặt ngoài màu xám đen, lông xám hoặc vàng nhạt, mịn mà sáng bóng – nhìn như không có lông, chất mềm chỗ vết cắt thấy da hơi dầy.
- Liên hoa: loại nhung phân 2 nhánh, trụ chính dài 16-33cm, gần đế mặt ngoài có một số đường gân, nhưng nhung vẫn chưa già.
- Tam sá: loại phân 3 nhánh, đã tương đối già, màu thẫm.
- Tứ sá: loại phân 4 nhánh, lông thô và thưa.