Khí trong cơ thể là gì? Nguồn gốc, phân loại và vai trò

VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

TueTinh Institute of Medical and Pharmaceutical Research
Xây dựng giá trị vì sức khoẻ cộng đồng

Khí trong cơ thể là gì? Nguồn gốc, phân loại và vai trò

28/11/2024
VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

Khí trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong y học cổ truyền, giúp duy trì sự sống và cân bằng năng lượng. Bài viết này sẽ giải đáp câu hỏi "Khí trong cơ thể là gì?" Đồng thời tìm hiểu về nguồn gốc, các loại khí và vai trò của chúng đối với sức khỏe.

Khí trong cơ thể là gì? Nguồn gốc của khí

Khí là một khái niệm biểu thị năng lượng vô hình lưu thông trong cơ thể để duy trì hoạt động sống. Theo Đông y, khí đảm bảo các chức năng sinh lý và bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài. 

Khí cấu tạo nên cơ thể và duy trì hoạt động sống, được hình thành từ 3 nguồn: Tinh khí tiên thiên, tinh khí hậu thiên và tinh khí của đồ ăn, thức uống.

Tinh khí tiên thiên

Đây là loại tinh khí có nguồn gốc từ tinh sinh dục của cha mẹ, là vật chất ban đầu tạo nên phôi thai. Do bẩm thụ từ cha mẹ nên gọi là tinh khí tiên thiên. Sự bắt đầu của con người là do tinh khí cha mẹ tương hợp hình thành nên phôi thai. Vì thế tinh khí tiên thiên là vật chất cơ sở hình thành nên cơ thể sống. Và đây cũng là phần quan trọng của khí trong cơ thể.

Tinh khí tiên thiên có nguồn gốc từ tinh sinh dục của cha mẹ

Tinh khí tiên thiên có nguồn gốc từ tinh sinh dục của cha mẹ

Tinh khí hậu thiên

Tinh khí hậu thiên bao gồm chất dinh dưỡng trong đó đồ ăn thức uống và tinh khí tồn tại trong giới tự nhiên. Do loại tinh khí này thu được sau khi sinh nên gọi là tinh khí hậu thiên. Tinh khí của giới tự nhiên cũng còn gọi là khí trời dựa vào chức năng hô hấp mà vào cơ thể. Sau đó, trao đổi không ngừng với khí trong cơ thể ở phế, tiến hành bài cũ nạp mới, tham gia tạo thành khí của cơ thể.

Tinh khí của đồ ăn, thức uống (cốc khí - thủy cốc)

Chất tinh vi của thủy cốc là chất dinh dưỡng trong thức ăn – yếu tố cơ bản để cơ thể tồn tại. Vị là bể của thủy cốc, con người sau khi hấp thụ thức ăn được Vị nhào bóp phân hủy. Tỳ vận hóa, các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn biến đổi thành chất tinh vi thủy cốc. Chất này con người có thể sử dụng, vận chuyển khắp toàn thân tư dưỡng tạng phủ hóa thành khí huyết. Khí huyết là cơ sở vật chất chủ yếu hoạt động sống của cơ thể. Như trẻ mới sinh một ngày không ăn thì đói, bảy ngày không ăn tràng vị khô kiệt mà chết. Như vậy, con người cung cấp cốc khí vào Vị, tiêu hóa ở lục phủ, điều hòa ở tạng để sinh khí huyết. Nhờ đó mà duy trì được hoạt động sống của mình.

Chất tinh vi của thủy cốc là chất dinh dưỡng trong thức ăn

Chất tinh vi của thủy cốc là chất dinh dưỡng trong thức ăn

4 loại khí trong cơ thể

Khí trong cơ thể được phân loại thành bốn nhóm chính đó là: Nguyên khí, tông khí, dinh khí và vệ khí.

Nguyên khí

Nguyên khí hay còn gọi là khí ban đầu, là khí cơ bản nhất, quan trọng nhất trong cơ thể tàng ở thận. Bao hàm khí nguyên âm và khí nguyên dương. Nguyên khí phát từ thận thông qua tam tiêu đi khắp toàn thân: Lục phủ ngũ tạng bên trong, biểu lý bên ngoài chỗ nào cũng đến. Khi tuần hành, nguyên khí phải nhờ có tạng phủ, kinh lạc, các tổ chức cơ thể mới phát huy được chức năng sinh lý.

Tông khí

Do thanh khí được phổi hít vào, tinh khí thủy cốc tỳ vị vận hóa kết hợp thành, tụ ở ngực gọi là Tông khí. Nơi tông khí tích tụ ở ngực gọi là “Thượng khí hải” hay còn gọi là Đản trung. Từ phế đi lên trên ra ngoài theo đường khí đạo, đi xuống dưới tập trung ở Đan điền, rót vào Khí nhai của Túc dương minh để đi xuống chân. Nó xuyên vào Tâm, qua Tâm tạng vào mạch thúc đẩy vận hành khí huyết trong mạch.

Dinh khí

Dinh khí là khí vận hành trong mạch có tác dụng dinh dưỡng, do giàu chất dinh dưỡng nên gọi là dinh khí. Do dinh khí chạy trong mạch, hóa sinh thành huyết, dinh khí và huyết có thể phân nhưng không tách rời. Vì thế nên gọi là “dinh huyết”. Phân biệt dinh khí và vệ khí thì dinh khí chạy trong mạch, vệ khí chạy ngoài mạch. Chạy ngoài mạch là dương, trong mạch là âm nên còn có tên là dinh âm.

Khí trong cơ thể được chia thành 4 nhóm

Khí trong cơ thể được chia thành 4 nhóm

Vệ khí 

Vệ có nghĩa là hộ vệ, bảo vệ. Vệ khí là khí chảy bên ngoài mạch. So sánh với dinh khí chảy trong mạch, vệ khí thuộc dương nên còn gọi là vệ dương. Vệ khí cũng do tỳ vị hóa sinh từ chất tinh vi của thủy cốc. Do tinh của nó dũng mãnh nhanh nhẹn, hoạt lực mạnh, di chuyển với tốc độ nhanh. Đường vận hành của dinh khí và vệ khí giống nhau: Dinh khí chảy trong mạch, vệ khí chảy ngoài mạch.

Vai trò của khí đối với huyết

Trong y học cổ truyền, khí và huyết có mối quan hệ mật thiết. Khí giúp thúc đẩy tuần hoàn huyết, còn huyết là môi trường để khí lưu thông. Vai trò cụ thể của khí đối với huyết bao gồm: Sinh huyết, hành huyết và nhiếp huyết.

Khí có thể sinh huyết

Chỉ sự khí hóa là động lực sinh thành huyết dịch từ thủy cốc chuyển thành chất tinh vi. Từ chất tinh vi thủy cốc chuyển hóa thành dinh khí và tân dịch. Từ dinh khí và tân dịch chuyển hóa thành huyết màu đỏ. Mỗi khâu đều gắn liền với khí hóa. Khí thịnh tất huyết sung túc, khí hư huyết không thể đủ. Trên lâm sàng, điều trị bệnh nhân huyết hư thường phối với thuốc bổ khí với ý nghĩa: Bổ khí để sinh huyết.

Khí có thể hành huyết

Khí là động lực để huyết dịch tuần hành. Khí, một mặt trực tiếp thúc đẩy huyết hành như tông khí. Mặt khác, có thể xúc tiến hoạt động chức năng của tạng phủ. Thông qua hoạt động chức năng của tạng phủ mà thúc đẩy huyết dịch vận hành. Khí hành thì huyết hành, khí ngừng thì huyết ngừng.

Khí có khả năng nhiếp huyết

Tác dụng thống nhiếp huyết của khí làm huyết chảy bình thường trong mạch mà không chảy ra ngoài. Khí không nhiếp huyết sẽ thấy chứng xuất huyết nên khi điều trị cần dùng phép bổ khí nhiếp huyết sẽ cầm huyết. Trên lâm sàng thấy chứng xuất huyết nặng cần dùng đại tễ, Độc sâm thang – bổ khí nhiếp huyết để khí mạnh lên cầm huyết.

Khí có khả năng nhiếp huyết (cầm máu)

Khí có khả năng nhiếp huyết (cầm máu)

Hiểu rõ khí trong cơ thể là gì, nguồn gốc và vai trò của nó sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện về sức khỏe. Duy trì cân bằng khí không chỉ là bí quyết để sống khỏe mạnh mà còn là cách phòng ngừa nhiều bệnh tật theo y học cổ truyền. Hy vọng, qua bài viết này, Viện Nghiên cứu Y dược học Tuệ Tĩnh đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức hữu ích. Nếu cần thêm thông tin, liên hệ ngay với chúng tôi qua Hotline: 0974.621.819 để được hỗ trợ.