Suy sinh dục nam được định nghĩa là khi tinh hoàn không sản xuất đủ hormone testosterone quy định giới tính nam. Nguyên nhân gây suy sinh dục ở nam có thể do nguyên phát hoặc thứ phát.
Suy sinh dục nam nguyên phát
Suy sinh dục nam nguyên phát là loại suy sình dục do các vấn đề xảy ra trực tiếp tại tinh hoàn. Các nguyên nhân phổ biến gây suy sinh dục nguyên phát bao gồm:
- Hội chứng Klinefelter: tình trạng này là do bất thường bẩm sinh của nhiễm sắc thể giới tính X và Y. Một nam giới thường có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y tạo thành một cặp nhiễm sắc thể giới tính. Trong hội chứng Klinefelter, người bệnh sẽ có từ hai hoặc nhiều nhiễm sắc thể X bên cạnh một nhiễm sắc thể Y. Chính nhiễm sắc thể Y chứa vật liệu di truyền xác định giới tính nam của trẻ được sinh ra với sự phát triển của các bộ phận liên quan. Nhiễm sắc thể X dư thừa trong hội chứng Klinefelter sẽ gây ra sự phát triển bất thường của tinh hoàn; từ đó, dẫn đến việc sản xuất testosterone bị thiếu hụt.
- Tinh hoàn không di chuyển xuống dưới: trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn phát triển bên trong ổ bụng và thường di chuyển xuống vị trí cố định của chúng là trong bìu ngay trước khi sinh ra. Suy sinh dục sẽ xảy ra khi một hoặc cả hai tinh hoàn không hạ xuống khi trẻ chào đời. Tình trạng này thường tự khắc phục trong vài năm đầu đời mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, nếu không được tích cực điều chỉnh sớm, thậm chỉ trong vòng vài ngày sau sinh, sức khỏe tinh hoàn sẽ bị ảnh hưởng và giảm sản xuất testosterone.
- Viêm quai bị: nhiễm trùng do quai bị có biến chứng đến tinh hoàn xảy ra trong lứa tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành có thể làm suy giảm chức năng của tinh hoàn và sản xuất testosterone.
- Bệnh tan máu bẩm sinh: hệ quả khi quá nhiều chất sắt trong máu do tan máu có thể gây ra suy tinh hoàn hoặc rối loạn chức năng tuyến yên, ảnh hưởng đến sản xuất testosterone.
- Tổn thương tinh hoàn: vì nằm ngoài ở bụng, bao bọc bởi lớp tổ chức lỏng lẻo nên tinh hoàn dễ bị chấn thương. Sau tổn thương, mặc dù tinh hoàn vẫn phát triển bình thường nhưng vẫn có nguy cơ suy sinh dục. Tuy nhiên, tổn thương một tinh hoàn vẫn có thể không làm giảm tổng sản xuất testosterone nói chung.
- Điều trị ung thư, bệnh ung thư: hóa trị hoặc xạ trị để điều trị ung thư có thể can thiệp vào quá trình sản xuất testosterone và tinh trùng. Tuy tác dụng của cả hai phương pháp điều trị này trên các hệ thống cơ quan khác thường là tạm thời, tình trạng vô sinh vĩnh viễn vẫn có thể xảy ra. Lượng testosterone máu giảm trên những người có bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
- Chế độ dinh dưỡng: chế độ ăn uống làm thay đổi lượng SHBG (Sex Hormone Binding Globulin - hormone giới tính gắn globulin như testosterone hay estradiol). Chế độ ăn uống nhiều chất xơ hoặc rau làm tăng lượng SHBG và làm giảm testosterone. Ngược lại chế độ ăn có nhiều chất béo, đạm sẽ làm tăng lượng hormone testosterone. Lượng testosterone máu giảm trên những người nghiện rượu và những người xơ gan do rượu.
- Hoạt động thể lực, một điều quan trọng là năng lượng ảnh hưởng nhiều đến sự sản xuất nội tiết tố ở nam giới, những người hoạt động cơ bắp quá nhiều làm cạn kiệt năng lượng thường làm giảm sản xuất hormone testosterone.
- Sang chấn tinh thần: bị stress, chấn thương, trải qua phẫu thuật hoặc nằm liệt lâu ngày trong các bệnh như suy thận mạn tính, suy gan mạn tính hoặc kém dinh dưỡng thường xuyên cũng gây nên tình trạng giảm nội tiết tố testosterone máu.
Suy sinh dục nam thứ phát
Trong suy sinh dục nam thứ phát, tinh hoàn hoàn toàn bình thường nhưng không hoạt động hiệu quả là do các vấn đề liên quan tới tuyến yên hoặc vùng dưới đồi - những phần của não điều khiển tinh hoàn sản xuất testosterone. Một số tình trạng có thể gây ra suy sinh dục thứ phát, bao gồm:
- Hội chứng Kallmann: đây là sự phát triển bất thường của khu vực não kiểm soát sự tiết hormone tuyến yên ở vùng dưới đồi. Hội chứng này cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng ngửi và gây mù màu đỏ-xanh ở nam giới.
- Rối loạn chức năng tuyến yên: những bất thường trong tuyến yên có thể làm giảm sự giải phóng hormone điều khiển từ tuyến yên đến tinh hoàn, ảnh hưởng đến sản xuất testosterone. Tác nhân gây ra có thể là do một khối u tuyến yên hoặc bất kì một khối u não khác nằm gần tuyến yên. Mặt khác, khi điều trị một khối u não, chẳng hạn như bằng cách phẫu thuật hoặc xạ trị, vẫn có thể ảnh hưởng đến tuyến yên và gây ra suy sinh dục nam.
- Bệnh lý viêm nhiễm: một số bệnh viêm nhiễm như sarcoidosis, vi trùng lao... đến vùng dưới đồi và tuyến yên có thể ảnh hưởng đến sản xuất testosterone. Ngay cả tác nhân HIV/AIDS, virus cũng dẫn đến nồng độ testosterone thấp là do gây bệnh đến vùng dưới đổi, tuyển yên và tinh hoàn.
- Thuốc: việc sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau dạng thuốc phiện và một số hormone ngoại sinh có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất testosterone.
- Béo phì: thừa cân đáng kể ở mọi lứa tuổi có thể liên quan đến suy sinh dục nam. 6. Lão hóa: khi người đàn ông già đi, việc sản xuất testosterone sẽ giảm dần. Tuổi càng cao thì các tổ chức trong cơ thể đều dần dần bị suy thoái, tinh hoàn và tuyển thượng thận cũng nằm trong quy luật chung đó. Sự suy giảm testosterone bắt đầu xảy ra từ 30 tuổi. Hàng năm sự giảm sản xuất testosterone giảm từ 0,8 - 1,3% và giảm từ 30 - 50% ở người 50 - 70 tuổi.