Quan điểm của Y học cổ truyền về "Đau lưng"

VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

TueTinh Institute of Medical and Pharmaceutical Research
Xây dựng giá trị vì sức khoẻ cộng đồng

Quan điểm của Y học cổ truyền về "Đau lưng"

22/10/2024
VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

Yêu: vùng lưng, theo từ điển Y học cổ truyền thì từ đốt sống ngực thứ 12 đến điểm tiếp giáp hai mỏm xương hông gọi là yêu.

Thống: từ chỉ chung cho triệu chứng đau do mọi nguyên nhân ngoại cảm, khí trệ, huyết ứ, khí huyết hư... thống thường được sử dụng kèm tên vị trí bệnh như đau cổ gáy là Hạng thống, đau lưng là Yêu thống.

Đau thắt lưng có thể biểu hiện đau một bên hoặc hai bên, có thể đau ngay chính giữa cột sống (Tích thống) hay đau hai bên cột sống (Bối thống). Do thắt lưng là phủ của thận nên đau thắt lưng có quan hệ mật thiết đến bệnh lý tạng thận. Tuệ Tĩnh viết: “Đau lưng là bệnh ở thận" (Nam dược thần hiệu), Trình Chung Linh cho rằng: “Đau lưng có phong, có hàn, có thấp, có nhiệt, có ứ huyết, có khí trệ, có đàm ẩm; đều là ngọn của bệnh. Thận hư mới là gốc của bệnh”, “Lưng là nơi ẩn của các Du, khi phong tà xâm phạm con người thì phải qua Du mà vào, đó là bệnh của kinh lạc... Chữa đau vùng lưng thì phải khu phong tà, đó là lý nhất định" (Y học tâm ngộ).

Thắt lưng là phủ của Thận, tinh khí của Thận đến nuôi vùng thắt lưng, Thận có quan hệ biểu lý với Bảng quang, kinh Túc thái dương Bàng quang đi qua vùng thất lưng, ngoài ra mạch Nhâm, Đốc, Xung, Đới cũng đi qua hoặc liên lạc với vùng thắt lưng, nên các nguyên nhân nội thương, ngoại cảm hoặc chấn thương làm tổn thương đến Thận hoặc tắc trở kinh lạc của Thận đều có thể sinh ra đau thắt lưng. Như “Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc. Yêu tề bệnh nguyên lưu” chỉ ra: “yêu thống, do tỉnh khí hư và tà khí gây bệnh".