QUAN NIỆM CỦA Y HỌC CỔ TRUYỀN VỀ "UNG THƯ"

VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

TueTinh Institute of Medical and Pharmaceutical Research
Xây dựng giá trị vì sức khoẻ cộng đồng

QUAN NIỆM CỦA Y HỌC CỔ TRUYỀN VỀ "UNG THƯ"

15/10/2024
VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

Trong YHCT, chứng trạng là biểu hiện của bệnh tật, có thể là một triệu chứng hoặc một hội chứng, đôi khi là một bệnh của YHHĐ. "Chứng” hoặc “chứng trạng” có nghĩa là trạng thái của bệnh tật được biển hiện ra bên ngoài. Nhờ những biểu hiện được mô tả này, người khảo sát y vẫn mới có thể nhận ra các điểm tương đồng giữa những triệu chứng mà người xưa ghi chép và các biểu hiện của ung thư ngày nay. Chứng trạng “ung thư” đầu tiên xuất hiện trong thiên Ung Thư của Hoàng Đế Nội Kinh Linh Khu (thế kỷ thứ IV TCN) để mô tả nhóm các bệnh có đặc trưng lâm sàng xuất hiện các khối nhọt sưng. Trong đó “ung” là loại u nhọt nổi trên mặt da, đỏ đau, có hoặc không có mủ, “thư” là loại nhọt sưng nhưng không đỏ, ăn sâu vào da thịt gây lở loét bên trong. Về sau, thuật ngữ YHHĐ trong tiếng Việt mượn chữ “ung thư” để dịch từ “cancer” của YHHĐ, đây là bệnh lý tế bào trong cơ thể phát triển một cách không kiểm soát, tức khái niệm về ung thư mà ngày nay đang sử dụng.

Ngoài thuật ngữ Ung thư như nêu trên, các tác phẩm kinh điển YHCT cũng có nêu ra những thuật ngữ Nham, Thạch thư,... Cũng như trong tác phẩm Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận, Sào Nguyên Phương miêu tả bệnh có biểu hiện khối cứng rắn có gốc liền với da như ung thư hạch của YHHĐ. Tùy vào ngôn ngữ cũng như địa phương mà các tác giả đã gọi với các tên gọi khác nhau như chứng Lựu, chứng Nham, chứng Anh, chứng Tích tụ, chứng Trưng hà,... được mô tả với các đặc điểm tương tự như bệnh lý ung thư của YHHĐ. Y gia các đời sau tiếp tục phát triển lý luận và phân chia chỉ tiết hơn các chứng trạng, như trong các chứng được miêu tả lâm sàng gần giống với ung thư phổi có thể kể đến Lý Đông Hằng với phương thuốc Tức bôn hoàn đã dùng điều trị. Thời nhà Minh, Trương Giới Tân có nói: “Lao khái, thanh á, thanh bất năng xuất hoặc suyễn tức khí thúc giả, thử phế tạng bại giả, tất tử", nghĩa là ho khan, mất tiếng, không phát ra âm thanh được hoặc khò khè khó thở, khí xông lên, đó là tạng Phế hư bại, ắt sẽ chết.

Tại Việt Nam, trong Nam Dược Thần Hiệu của danh y Tuệ Tĩnh Nguyễn Bá Tĩnh và Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh của danh y Hải Thượng Lân Ông - Lê Hữu Trác cũng đề cập đến các chứng trạng về hòn khối như các chứng Trưng hà, Tích tụ, Nang ung, Tràng nhạc,... và có những kinh nghiệm điều trị nhất định.

Tóm lại, nếu YHHĐ định nghĩa ung thư là loại bệnh lý xảy ra tình trạng tế bào trong cơ thể phát triển một cách không kiểm soát thì trong YHCT không có một định nghĩa hoàn toàn tương đương, tuy nhiên sẽ có những chứng trạng được mô tả giống với ung thư với các tên gọi khác nhau. Các y gia nhiều đời, hơn 2000 năm tích lũy kho tàng kinh nghiệm điều trị các chứng trạng nêu trên, tuy nhiên YHCT hình thành dựa trên quan sát thực tế, sau đó mô tả, lý giải, từ đó luận trị, không tránh khỏi chủ quan. Do vậy, việc tra cứu kinh điển một cách thận trọng và khách quan sẽ rất quan trọng để áp dụng chính xác kinh nghiệm trị liệu của người xưa, vận dụng vào chăm sóc và điều trị tốt nhất cho người bệnh ung thư.