Rối loạn nhận thức ở bệnh nhân Tai biến mạch máu

VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

TueTinh Institute of Medical and Pharmaceutical Research
Xây dựng giá trị vì sức khoẻ cộng đồng

Rối loạn nhận thức ở bệnh nhân Tai biến mạch máu

02/12/2024
VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

Rối loạn nhận thức là một trong những biến chứng phổ biến ở bệnh nhân sau tai biến mạch máu não (đột quỵ). Đây là tình trạng suy giảm khả năng tư duy, ghi nhớ, tập trung hoặc xử lý thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và khả năng độc lập của bệnh nhân.

1. Mất trí nhớ

Trí nhớ là sự ghi lại, giữ lại, nhận lại và làm xuất hiện lại những kinh nghiệm trước đây của bản thân mỗi người.

Căn cứ vào thời gian lưu trữ dữ liệu, trí nhớ gồm 2 loại: trí nhớ ngắn hạn (trí nhớ tức thì) và trí nhớ dài hạn.

Trí nhớ có thể bị rối loạn bởi tổn thương những vùng phụ trách trí nhớ như thủy đỉnh, thủy trán, thủy thải dương, hồi hải mã... Có 2 loại mất trí nhớ, bao gồm:

- Mất trí nhớ thuận chiều: tức là không nhớ được sự việc mới xảy ra.

- Mất trí nhớ ngược chiều: tức là không nhớ được các sự việc cũ đã xảy ra.

Mất trí nhớ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày như là quên chỗ nào để đồ vật, quên tên của bạn bè, người thân trong gia đình, lạc đường không về nhà được.

2. Mất tập trung

Tập trung là sự chú ý vào một hoặc một số đối tượng nào đó, nhằm phản ánh chúng một cách đầy đủ và rõ ràng nhất.

Tập trung có 4 đặc tính: tính bền, tính lựa chọn, tính di chuyển, tính phân phối.

Tập trung có thể bị rối loạn khi tổn thương thùy trán, thùy đỉnh, đồi thị, hạch nền... Khi bị rối loạn tập trung sẽ làm cho không tập trung được, không thay đổi tập trung được, không làm tiếp được. Điều này làm cho người bệnh không học được, không nấu ăn được, không lái xe được... ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

3. Mất thực dụng

Mất thực dụng là hiện tượng bệnh nhân không thể thực hiện được những hoạt động có mục đích theo yêu cầu bằng lời nói hay bắt chước trong khi không có tổn thương hệ thống vận động hay cảm giác.

Mất thực dụng xảy ra khi có tổn thương thùy đỉnh, vùng tiền vận động... Mất thực dụng gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày: không biết mặc quần áo, nấu cơm, dùng dụng cụ, không vận động được những hoạt động người ta hướng dẫn...

4. Mất ngôn ngữ

Ngôn ngữ tham gia vào sự tương tác phức tạp giữa trí nhớ bằng lời, các kĩ năng vận động tự động, kết hợp các biểu tượng, khả năng cú pháp và tương tác cảm giác. Vùng ngôn ngữ sơ cấp định khu ở bán cầu trái bao gồm vùng Broca, Wernickes và một phần vùng liên hợp thùy thái dương. Chức năng ngôn ngữ khác định khu ở vùng kết hợp ở bán cầu não phải, sau đồi thị và hạch nền.

Các rối loạn ngôn ngữ bao gồm:

- Mất ngôn ngữ Broca: đặc trưng bởi lời nói không trôi chảy, lặp lại kém và sự thông hiểu còn tương đối nguyên vẹn.

- Mất ngôn ngữ Wernickes: đặc trưng bởi lời nói trôi chảy nhưng rối loạn dùng âm của từ ngữ, và sự lặp lại, sự thông hiểu bị suy giảm.

5. Sự lãng quên nửa người

Sự lãng quên nửa người là sự bất thường trong sự chú ý một nửa người mà không do cảm giác nguyên phát và rối loạn vận động. Bệnh nhân không đáp ứng hoặc đáp ứng chậm hơn khi kích thích ở trong thị trường đối diện với bên tổn thương. Sự lãng quên thường gặp và nặng nề hơn trong tổn thương bán cầu phải hơn bán cầu trái.

6. Mất nhận thức thị giác và không gian thị giác

Mất nhận thức thị giác được định nghĩa là sự rối loạn nhận thức về kích thích thị giác, thường do các tổn thương ở vùng kết hợp thị giác. Chúng xuất hiện ít hơn so với mất nhận thức không gian thị giác tự nhiên do tổn thương thùy đỉnh và thùy trán.

Mất nhận thức không gian thị giác được định nghĩa là sự khó hiểu trong mối quan hệ giữa bản thân và đối tượng. Bệnh nhân có thể không vẽ bắt chước được cấu trúc đơn giản, khó khăn trong các bài tập chức năng như đọc báo hay mặc quần áo...