Sài hồ, Thăng ma, Cát căn 3 vị đều tân lương, đều có thể phát biểu, thăng dương. Đều có thể trị ngoại cảm biểu chứng, phát nhiệt, đau đầu… các chứng thanh dương bất thăng. 3 vị đối với phong hàn, phong nhiệt biểu chứng đều có thể phối dùng. Trong đó, Sài hồ, Thăng ma đều có thể thăng dương cử hãm, đều có thể trị khí hư hạ hãm, thực ít tiện lỏng, cửu tiết thoát giang,tạng khí thoát thùy: vị hạ thùy, thận hạ thùy, tử cung thoát thùy…; Thăng ma, Cát căn đều có thể thấu chẩn, thường trị ma chẩn sơ khởi, thấu chẩn bất sướng.
Sự khác nhau của ba vị thuốc này ở chỗ:
Sài hồ khổ tân hơi hàn, chủ thăng khí can đởm, chủ yếu sơ tán (Tà ở thiếu dương bán biểu bán lý), thoái nhiệt, sơ can giải uất. Lại thường dùng với thương hàn tà ở thiếu dương, hàn nhiệt vãng lai, hung hiếp bĩ mãn, miệng khát họng khô, mắt hoa…, là yếu dược trị thiếu dương chứng; cảm mạo phát nhiệt. Cũng có thể trị can uất khí trệ, hung hiếp trướng thống, kinh nguyệt k đều, thống kinh; ngược tật hàn nhiệt vãng lai.
Thăng ma chủ thăng thanh dương khí của tỳ vị, lực thăng đề của nó mạnh hơn sài hồ. Đồng thời có thể thanh nhiệt giải độc. Lại thường trị nhiều loại nhiệt độc bệnh: Răng đau miệng lở, yết hầu sưng đau, dương độc phát ban, viêm quầng, quai bị.
Cát căn cam tân lương, chủ thăng thanh dương khí tỳ vị mà sinh tân chỉ khát, chỉ tả. Thường dùng trị nhiệt bệnh phiền khát, âm hư tiêu khát, nhiệt tả nhiệt lị, tỳ hư tiết tả. Đồng thời, Cát căn giải cơ thoái nhiệt, đã tân tán phát biểu thoái nhiệt lại có thể hõa giải ngoại tà uất trở, kinh khí bất lợi, cân mạch thất dưỡng gây hạng bối đau do ngoại cảm biểu chứng. Ngoài ra, Cát căn lại có thể thông kinh hoạt lạc, giải độc rượu, cũng có thể dùng trị trúng phong thiên liệt, hung tý tâm thống, huyễn vựng đau đầu.