Thực dưỡng và ung thư - Góc nhìn của Y học cổ truyền

VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

TueTinh Institute of Medical and Pharmaceutical Research
Xây dựng giá trị vì sức khoẻ cộng đồng

Thực dưỡng và ung thư - Góc nhìn của Y học cổ truyền

17/10/2024
VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

Tầm quan trọng của vấn đề thực dưỡng thường bị bỏ qua trên lâm sàng. Nhiều thầy thuốc thường có xu hướng tập trung vào hiệu quả của phương pháp điều trị chống ung thư mà bỏ qua các tác dụng bất lợi do điều trị gây thiếu dinh dưỡng. Các rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa có thể làm suy nhược, gầy mòn, yếu sức, làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh, cuối cùng là suy cơ quan và tử vong.

Theo học thuyết tạng tượng, Tỳ Vị là gốc của hậu thiên, là tạng phủ chịu trách nhiệm vận hóa thủy cốc thành các chất tinh vi để nuôi dưỡng cơ thể. Vì vậy, cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng trong bảo vệ Tỳ Vị, đặc biệt khi người bệnh thực hiện hóa trị hay xạ trị. Nên tránh các thực phẩm nê trệ, khó tiêu dễ ảnh hưởng đến Tỳ Vị. Ngoài ra, người bệnh ung thư thường có cảm xúc buồn rầu, trầm cảm, lo lắng, là những nguyên nhân nội nhân ảnh hưởng trực tiếp đến Tỳ khí dẫn đến cảm giác chán không muốn ăn, ăn uống không ngon miệng. Từ đó ảnh hưởng đến kết cục điều trị. Vì thế, xây dựng mối quan hệ thầy thuốc - người bệnh tốt giúp họ tự tin hơn và có thái độ lạc quan hơn. Điều này sẽ dẫn đến sự cải thiện trong việc hấp thụ và chuyển hóa các chất dinh dưỡng của cơ thể và có triển vọng tốt hơn để cải thiện tình trạng hoặc phục hồi của người bệnh.

Việc điều trị theo YHCT dựa trên biện chứng luận trị, cá nhân hóa điều trị, do đó theo nguyên tắc chung thì chế độ ăn uống (thực dưỡng) của người bệnh ung thư cũng cần được thiết kế dựa trên hội chứng bệnh của từng người. Đối với mỗi loại và giai đoạn bệnh, những người bệnh khác nhau sẽ có hội chứng bệnh khác nhau. Ví dụ những người biểu hiện nhiệt chứng nên tránh các thực phẩm có tính ôn nhiệt, chẳng hạn như thịt nai, thịt cừu, nhãn nhục,... thay vào đó nên dùng các thực phẩm có tính mát như rau sam, măng tây, thịt vịt, chuối,... Do đó không có giải pháp thực dưỡng chuẩn áp dụng chung cho tất cả người bệnh ung thư mà nên được hướng dẫn bởi thầy thuốc YHCT dựa trên hội chứng lâm sàng của chính họ. Chế độ ăn uống không nên quá khắc nghiệt hay kiêng khem, thay vào đó cần chú ý đến các triệu chứng của tiêu hóa. Nên thử bắt đầu với một lượng nhỏ các loại thực phẩm. Sau một thời gian người bệnh sẽ biết loại thực phẩm nào sẽ phù hợp với mình, dựa trên phản ứng của đường tiêu hóa với nó hay triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài. Khi đó nên tránh những loại thực phẩm không phù hợp và tiếp tục ăn những thức ăn mà cơ thể dung nạp được và tiêu hóa tốt.