Sỏi tiết niệu ở Việt Nam đã được nghiên cứu từ lâu. Tuệ Tĩnh (thế kỉ XIV) với phương châm " Nam dược trị nam nhân" trong tác phẩm " Nam dược thần hiệu" có nêu nhiều vị thuốc có tác dụng điều trị lâm chứng như: Rễ cỏ tranh, Trạch tả, Hoạt thạch.
Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ XVII) đã nghiên cứu đặc điểm của khí hậu nước ta, nguyên nhân thấp nhiệt ảnh hưởng đến bệnh đường tiết niệu, tiêu hoá, trong tập "Ngoại cảm thông trị" từ đó ông đã có nhiều bài thuốc điều trị chứng thấp nhiệt, đái ra sạn.
Trong quá trình thừa kế và phát huy nến y học cổ truyền dân tộc, nhiều năm qua đã có một số nghiên cứu điều trị bệnh này bằng bài thuốc kinh nghiệm dùng cây Kim tiền thảo, có nhiều người đái được ra sỏi. Khi ngâm sỏi vào nước sắc Kim tiền thảo, một tháng sau thấy sỏi "nhỏ đi" (Dương Như Cẩm, Hồ Như Thái, 1978). Tiếp thu kinh nghiệm dân gian ở Đắc Lắc, lương y cổ truyền Vũ Văn Hải đã dùng bài thuốc với thành phần chủ yếu là Kim tiền thảo và Cốt toái bổ cho kết quả khả quan. Đến năm 1989 lương y Nguyễn Văn Yến sử dụng bài thuốc có thành phần chủ yếu là Trạch tả, Hoạt thạch, Mộc thông, Thổ phục linh, đã điều trị nhiều bệnh nhân có kết quả.
Năm 1985, bệnh viện Y học dân tộc Hậu Giang kết hợp với trường Đại học Y Cần Thơ nghiên cứu chế phẩm "Hoàn san thận" mà thành phần chủ yếu là rau om được nhân dân trong và ngoài tỉnh hết sức tín nhiệm.
Với phương châm kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong nghiên cứu để nâng cao hiệu quả điều trị, từ năm 1997 đến 1999 Viện Quân y 108 (Nguyễn Tỵ, Lê Thế Chính, Chu Hoàng Vân), nghiên cứu nước sắc thân cây Lá Giang sử dụng điều trị bệnh sỏi tiết niệu và các tác giả thấy thuốc có tác dụng: lợi tiểu chống viêm, làm mòn sỏi và đái ra sỏi với kết quả 54%.
Gần đây nhất, Học viện Quân y 103 (1999) cũng nghiên cứu tác dụng điều trị sỏi có hiệu quả với thuốc thảo mộc (thành phần chủ yếu là Kim tiền thảo, Ngưu tất, Hoàng bá, Đan sâm) kết hợp với điện châm cho kết quả bài sỏi với 66% bệnh nhân (Ngô Quyết Chiến, Nguyễn Văn Hồng, Trần Đăng Đức). Ngoài ra trong kho tàng thuốc nam và kinh nghiệm dân gian từ trước đến nay cũng còn nhiều cây thuốc và vị thuốc chữa sỏi đường tiết niệu mà hiện nay vẫn còn được lưu truyền rộng rãi trong dân gian nhưng chưa được nghiên cứu như:
- Trâu cổ: (Vương bắt lưu hành, Sộp sộp) Ficus pumila L.
- Thạch vi: (Thạch lan, Thạch bì) Pyrrhosia ligua (Thunb.) Farwell
- Dứa dại: (dứa gai, dứa gỗ) Pandanus tectorius Park et Z.
- Mướp đắng: (Khổ qua, hồng cô nương) Momordica charantia L.
- Ý dĩ (bo bo) Coix lachryma - jobi L.
- Rễ cỏ tranh: (Bạch mao căn) Imperata cylindrica Beauv.
- Cây râu mèo : Orthosiphon stamineus Benth.
Trong tình hình hiện nay, ở nước ta cũng như trên thế giới, thuốc tây y cũng như thuốc đông y điều trị sỏi tiết niệu thực sự có hiệu quả còn rất ít. Tình hình kinh tế trong nước và khả năng tài chính có hạn của bệnh nhân chưa cho phép chúng ta áp dụng một cách đai trà các thành tựu của y học thế giới trong lĩnh vực điều trị bệnh sỏi. Chúng ta chủ yếu dựa vào các thuốc sản xuất với nguyên liệu sẵn có trong nước, nhưng các thuốc này phải được nghiên cứu một cách khoa học để chứng minh tác dụng.