Châm cứu là một trong những phương pháp chữa bệnh đã có từ lâu đời. Mục đích của châm cứu là “điều khí”, tạo ra một kích thích vào huyệt để tạo nên trạng thái cân bằng âm - dương, nghĩa là phục hồi trạng thái sinh lý, loại trừ trạng thái bệnh lý, đưa cơ thể trở lại trạng thái hoạt động của chức năng bình thường.
Châm cứu cũng có thể được sử dụng để quản lý chấn thương thể thao và nâng cao hiệu suất tập luyện.
Hiện nay, chấn thương thể thao đã trở thành một vấn đề phổ biến do số lượng người đam mê thể thao ngày càng tăng, đặc biệt là ở các vận động viên ưu tú. Vai trò của châm cứu trong điều trị chấn thương thể thao đang được chấp nhận, chẳng hạn như trong điều trị sưng tấy, giảm đau và sửa chữa mô tổn thương. Ngoài các can thiệp phẫu thuật và điều trị bằng thuốc, các chấn thương chi trên phổ biến như: Hội chứng chạm mỏm cùng vai (Shoulder Impingement Syndrome), Viêm gân chóp xoay (Rotator Cuff Tendinitis), sưng và đau khuỷu tay cấp tính, chấn thương mô mềm mạn tính ở vai và khuỷu tay, cũng như các chấn thương ở chi dưới như: Hội chứng chạm khớp háng (Femoroacetabular impingement - FAI), Chấn thương cơ Hamstring, Nang hoạt dịch và bong gân mắt cá chân được xoa dịu bằng châm cứu.
Can thiệp châm cứu được sử dụng để điều trị các triệu chứng liên quan đến cơ do tập thể dục, chẳng hạn như đau nhức cơ bắp khởi phát muộn (Delayed-Onset Muscle Soreness - DOMS), suy giảm oxy hóa mô cơ và đau cơ xơ hóa. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng đau nhức cơ bắp khởi phát muộn gây ra bởi sự uốn cong lệch tâm của khuỷu tay được giảm bớt bằng châm cứu; điểm VAS (Visual Analog Scale) của người tham gia giảm đáng kể sau can thiệp châm cứu.
Ở các vận động viên bóng chuyền bị chấn thương vai có trương lực cơ cao, kim sẽ được châm vào các điểm phản ứng ở vai (còn được gọi là A thị huyệt) và lưu kim 10 phút. Sau khi điều trị, trương lực cơ ở tất cả những người tham gia trở lại "bình thường".
Sau khi điều trị bằng châm cứu kéo dài 5 tuần ở những người chơi quần vợt nghiệp dư bị rối loạn chức năng cân cơ và viêm gân chóp xoay, triệu chứng đau ở vai giảm đi và sức mạnh của cơ chóp xoay được cải thiện.
Châm cứu cũng được sử dụng đồng thời với các phương pháp điều trị khác. Châm cứu được thực hiện trên những bệnh nhân bị chấn thương mô mềm vai mạn tính cùng với tập vận động khớp vai. Sau khi điều trị, tỷ lệ hiệu quả của nhóm châm cứu cao tới 96,67% trên Thang đo VAS. Điện châm cứu cũng có thể cải thiện các triệu chứng của Hội chứng chạm khớp háng bằng liệu pháp vận động cột sống và các bài tập phục hồi chức năng. Phác đồ điện châm: huyệt Xung môn, Túc tam lý, Cư liêu, Bào hoang, Trật biên ở tần số 2 Hz. Bệnh nhân không còn đau khi thực hiện các hoạt động và bài tập hàng ngày sau 6 tuần.
Trong nghiên cứu Zen-Pin Lin và cộng sự (2011) các đối tượng nghiên cứu được chọn từ Giải vô địch thể thao đấu vật quốc gia Đài Loan năm 2009. Những người tham gia là các vận động viên đấu vật vị thành niên, từ 16 - 18 tuổi, phải giành được ít nhất một huy chương đồng tại các giải đấu cấp quốc gia năm 2008. Kết quả cho thấy tỷ lệ thương tích ở nam cao hơn đáng kể so với nữ. Ba vị trí bị thương nhiều nhất ở nam giới là thắt lưng (11,1%), khớp mắt cá chân (10,1%) và ngón tay (9,6%); trong khi ở nữ là khớp mắt cá chân (13,6%), đầu gối (12,5%) và thắt lưng (11,3%). Đụng dập là loại chấn thương thường gặp nhất: ở nam (73,5%) và ở nữ (70,6%); tiếp theo là viêm gân ở nam (10,7%) và chấn thương tích lũy ở nữ (15,2%). Trong quá trình tập luyện và thi đấu, tần suất chấn thương của nam (69,0%) thấp hơn so với nữ (81,8%). Phương pháp điều trị kết hợp châm cứu và cứu ngải là phương thức điều trị phổ biến nhất được sử dụng cho nam giới (51,8%) và nữ giới (68,0%); tiếp theo là chỉnh hình: cho nam (29,5%) và cho nữ (18,0%).
Nhìn chung, cả điều trị bằng châm cứu riêng lẻ và kết hợp đều có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm các triệu chứng chấn thương thể thao, giảm đau và phục hồi chức năng khớp bình thường.