Cấy chỉ có tốt không? Tìm hiểu lợi ích, tác dụng phụ và những lưu ý qu

VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

TueTinh Institute of Medical and Pharmaceutical Research
Xây dựng giá trị vì sức khoẻ cộng đồng

Cấy chỉ có tốt không? Tìm hiểu lợi ích, tác dụng phụ và những lưu ý quan trọng

20/11/2024
VIỆN NGHIÊN CỨU Y DƯỢC HỌC TUỆ TĨNH

Cấy chỉ là phương pháp điều trị được phát triển từ châm cứu, đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, có một số người lo ngại về tính an toàn cũng như tác dụng phụ của kỹ thuật này. Vậy cấy chỉ có tốt không và nếu gặp phản ứng không mong muốn thì phải xử trí như thế nào? Hãy cùng Viện Nghiên cứu Y dược học Tuệ Tĩnh tìm hiểu qua bài viết sau.

Cấy chỉ có tốt không? Lợi ích của cấy chỉ

Cấy chỉ được đánh giá cao bởi nhiều lợi ích vượt trội trong việc hỗ trợ điều trị và cải thiện sức khỏe. Dưới đây là những ưu điểm nổi bật của phương pháp này:

  • Hiệu quả trong điều trị bệnh lý: Cấy chỉ đã được áp dụng trong điều trị nhiều bệnh lý như: Đau nhức xương khớp (thoát vị, thoái hóa, viêm khớp,...), mất ngủ, đau đầu, rối loạn tiền đình, béo phì,... Ngoài ra, cấy chỉ còn được áp dụng trong thẩm mỹ như: Căng da mặt, xóa nếp nhăn,...

  • Tác dụng điều trị kéo dài: Cấy chỉ là phương pháp đưa chỉ tự tiêu (chỉ catgut) vào các huyệt đạo. Nhờ đó các huyệt đạo được kích thích liên tục trong khoảng 15 - 20 ngày. Vì vậy, so với châm cứu truyền thống, cấy chỉ không cần thực hiện liên tục hàng ngày mà vẫn duy trì được tác dụng.

  • An toàn và ít xâm lấn: Cấy chỉ không cần phẫu thuật, không để lại vết sẹo và thường ít gây đau đớn. Đặc biệt, chỉ catgut tự tiêu nên ít tác dụng phụ. 

Cấy chỉ đem lại hiệu quả cao trong điều trị

Cấy chỉ đem lại hiệu quả cao trong điều trị

Tác dụng phụ của phương pháp cấy chỉ và cách xử trí

Dù có nhiều lợi ích, nhưng trong một số trường hợp, cấy chỉ có thể gây ra các phản ứng không mong muốn, như: Vựng châm, chảy máu huyệt vị, dị ứng chỉ tự tiêu, nhiễm trùng và lây nhiễm chéo.

Vựng châm

Triệu chứng:

Buồn nôn, chóng mặt, mặt tái, hoa mắt, bất tỉnh, đổ mồ hôi, người lạnh, tụt huyết áp, mạch nhanh. Tình trạng này thường xảy ra ở người suy nhược, tâm lý bất ổn, hoặc kích thích mạnh vào huyệt nhạy cảm.

Cách xử lý:

  • Rút kim và đặt bệnh nhân nằm ngửa, cho uống nước đường ấm.

  • Nếu bất tỉnh: Châm cứu huyệt Nhân trung, cứu các huyệt Khí hải, Quan nguyên, Tam âm giao, Túc tam lý. Giữ bệnh nhân nằm đầu thấp, ủ ấm, theo dõi mạch và huyết áp 10 - 15 phút/lần.

  • Trường hợp nặng (mạch nhanh, huyết áp tụt nhanh chóng): Bác sĩ có thể tiêm Adrenalin, đặt đường truyền và chuyển đến đơn vị điều trị tích cực.

Chảy máu huyệt vị

Tình trạng này thường không quá nguy hiểm, hay xảy ra khi châm cứu hoặc cấy chỉ không đúng kỹ thuật, gây tổn thương tĩnh mạch hoặc động mạch. 

Triệu chứng: Chảy máu tại huyệt vị, có thể kéo dài, gây chóng mặt và hạ huyết áp nếu mất máu nhiều.

Cách xử lý:

  • Sử dụng băng gạc để cầm máu.

  • Nếu chảy máu kéo dài gây choáng đầu, hạ huyết áp, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để xử lý kịp thời.

Dị ứng chỉ tự tiêu

Cấy chỉ là phương pháp sử dụng chỉ tự tiêu nhằm tạo ra kích thích cơ học lên huyệt vị. Tác động từ chỉ tự tiêu đem lại nhiều lợi ích nhưng một số trường hợp có thể bị dị ứng.

Triệu chứng: Nổi mề đay, ngứa, sưng đau tại huyệt vị, cảm giác khó chịu,...

Cách xử lý:

  • Thông báo ngay cho bác sĩ.

  • Sử dụng thuốc kháng histamin H1 theo chỉ định của bác sĩ.

  • Không tiếp tục cấy chỉ nếu có tiền sử dị ứng với chỉ tự tiêu.

Một số trường hợp có thể bị dị ứng với chỉ tự tiêu

Một số trường hợp có thể bị dị ứng với chỉ tự tiêu

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là tình trạng huyệt vị bị viêm nhiễm do nấm hoặc vi khuẩn (chủ yếu là tụ cầu vàng). Tình trạng này xảy ra thường do thực hiện tại cơ sở không đảm bảo vô trùng hoặc chăm sóc không đúng cách.

  • Triệu chứng: Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng sưng nóng, đau, ứ mủ tại huyệt vị.

  • Cách xử trí: Thông báo ngay với bác sĩ khi gặp phải các dấu hiệu trên để được thăm khám và chỉ định kháng sinh phù hợp.

Lây nhiễm chéo

Cấy chỉ có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân là do dụng cụ y tế và kim châm không được tiệt trùng đúng cách. Vì vậy, cách để phòng ngừa chính là cấy chỉ tại các cơ sở y tế uy tín, đảm bảo tiêu chuẩn vô trùng.

Những lưu ý khi áp dụng cấy chỉ trong điều trị

Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tối ưu, người thực hiện cấy chỉ cần lưu ý những điều sau:

  • Chọn cơ sở y tế uy tín: Chỉ thực hiện cấy chỉ tại các cơ sở y tế được cấp phép, bác sĩ chuyên môn cao, dụng cụ đạt chuẩn vô trùng.

  • Không thực hiện cấy chỉ khi có chống chỉ định: Những trường hợp không nên cấy chỉ bao gồm: Phụ nữ mang thai, người bị rối loạn đông máu, người có nhiễm trùng tại vùng huyệt đạo,... Thận trọng với những người có huyết áp không ổn định và những người bị đái tháo đường có huyết không ổn định,...

  • Chăm sóc sau cấy chỉ: Bệnh nhân nên tránh để vùng cấy chỉ tiếp xúc với nước trong 24 giờ đầu; Hạn chế vận động mạnh trong vài ngày đầu và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống và sinh hoạt.

Viện Nghiên cứu Y dược học Tuệ Tĩnh - Cơ sở y tế uy tín trong điều trị cấy chỉ

Viện Nghiên cứu Y dược học Tuệ Tĩnh - Cơ sở y tế uy tín trong điều trị cấy chỉ

Cấy chỉ là một phương pháp điều trị hiện đại, mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn cần thực hiện tại các cơ sở uy tín và tuân thủ đúng hướng dẫn chăm sóc. Nếu xuất hiện bất kỳ phản ứng bất thường nào, hãy liên hệ bác sĩ ngay để được xử lý kịp thời. Qua bài viết này, Viện Nghiên cứu Y dược học Tuệ Tĩnh hy vọng đã mang đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Nếu cần thêm thông tin, liên hệ ngay với chúng tôi qua Hotline: 0974.621.819 để được hỗ trợ.